01/11/2021
Series “Đối thoại với các Kiến trúc sư ở Đông Nam Á”: KIENTRUC O
Photographed by: Oki Hiroyuki
Khi nhìn thấy một công trình kiến trúc Việt Nam, người ta lưu ý đến nhiều mối liên hệ lịch sử của nó với Hàn Quốc. Nền Phật giáo, Đạo giáo, Nho giáo và chữ Hán đã có những ảnh hưởng đáng kể đến xã hội và văn hóa nói chung. Hai nước cũng có nhiều điểm chung với các đặc điểm thiết kế của thời kỳ thuộc địa qua các triều đại khác nhau, nội chiến trong quá khứ và sự phát triển kinh tế nhanh chóng của thời kỳ hiện đại. Các kiến trúc sư Việt Nam tạo ra nền tảng kiến trúc của riêng họ theo lịch sử nhiều lớp và nhiều liên kết như vậy có thể sẽ khó khăn để khẳng định được mình và phải đối mặt với nhiều thách thức không mong đợi. Với tình hình hiện tại của kiến trúc Việt Nam, tôi đã có cuộc trò chuyện với KTS Đàm Vũ, đồng sáng lập văn phòng KIENTRUC O.
Park Changhyun: Về tên của văn phòng anh, chữ “kiến trúc” có nghĩa là kiến trúc trong tiếng Việt. Khi anh sử dụng từ “kiến trúc” trong tên gọi của văn phòng thì ý đồ muốn gửi gắm cũng rõ rồi, tôi chỉ thắc mắc chữ “O” ở đây liệu có phải liên quan đến chủ đề thiết kế của anh trong kiến trúc không?
Đàm Vũ: Từ “KIENTRUC” được chúng tôi giữ nguyên bản tiếng Việt, xem như là một cái tên riêng. Chữ "O" đối với chúng tôi mang ý nghĩa tượng hình hơn là một ký tự. Đó như là một vòng tròn không hoàn hảo một cách rất hoàn hảo – như cách chúng tôi thể hiện nó qua logo. Chúng tôi muốn thông qua kiến trúc để biểu đạt một điều gì thuộc về sự rộng lớn mang tính phổ quát nhưng đồng thời cũng vừa là những điều nguyên bản và cốt lõi nhất.
Park Changhyun: Có phải anh diễn tả “sự không hoàn hảo một cách hoàn hảo” ở đây nghĩa là cảm giác không thể thoả mãn trong kiến trúc? Anh có thể mô tả cụ thể không?
Đàm Vũ: Chúng tôi đề cập sự hoàn hảo mang tính tự nhiên, có yếu tố cảm xúc của con người. Tuy nhiên, sự hoàn hảo với chúng tôi thay vì tìm kiếm những bù đắp từ bên ngoài, chúng tôi nỗ lực đi sâu vào bên trong bản chất, tìm kiếm cốt lõi. Khi nắm bắt được ý nghĩa của công trình, chúng tôi tìm cách biểu hiện ra kiến trúc một cách tự nhiên nhất, quá trình này này đòi hỏi nhiều thời gian và sự tập trung. Khi làm việc, chúng tôi luôn tự hỏi mình thôi thúc cho công trình trả lời hay tự thân nó đã có câu trả lời? Vậy nên khi công trình ra đời, tự nó đã là một thực thể, có đời sống riêng của nó một cách độc lập. Hiện tại, KIENTRUC O thực hiện các dự án không giới hạn thể loại và quy mô, miễn rằng công trình có thể biểu đạt được tốt nhất ý nghĩa tự thân của nó.
Park Changhyun: Tôi nghĩ Kiến trúc của Việt Nam cũng đã bước vào bước ngoặc khi nền kinh tế của quốc gia phát triển. Những định hình đặc trưng nào của sự chuyển biến này đem lại cho Kiến trúc của đất nước anh?
Đàm Vũ: Việt Nam có địa lý trải dài, ở những vùng trên đất nước chúng tôi vẫn còn lưu giữ nhiều kiến trúc truyền thống mang bản sắc đậm đặc rất riêng, điều đó đã khơi nguồn cho chúng tôi rất nhiều. Ở khu vực phía Nam, cụ thể như TP.HCM thì con người lại sống rất phóng khoáng, cùng lúc bạn có thể thấy nhiều công trình ở các thời kỳ khác nhau cùng tồn tại phát triển như kiến trúc Baroque, Art décor, Đông Dương, hiện đại, đương đại... Nhìn chung, người Việt Nam có sự cởi mở và linh hoạt nhất định, tuy nhiên lại có nét riêng trong quan điểm Sống và Ở, điều đó theo tôi nghĩ, cũng xuất phát từ nền tảng con người và thiên nhiên nơi đây. Tôi cảm thấy hứng thú với sự tồn tại đa dạng này bởi vì nó làm cho cuộc sống trở nên thú vị, điều đó biểu hiện đặc thù trong tính cách người Việt và trong kiến trúc. Xét về khía cạnh phát triển kiến trúc đô thị Việt Nam xuyên suốt các thời kỳ, đã có những chuyển biến lớn, đã có những tiến bộ khi thích ứng và bắt kịp trào lưu chung, tuy nhiên cũng có những yếu tố bị bỏ rơi, vô tình bị quên lãng. Và truyền thống là nguồn gốc được dùng để quán chiếu những gì đang được tạo ra và đang diễn ra.
Park Changhyun: Có yếu tố truyền thống nào mà anh đặc biệt quan tâm không?
Đàm Vũ: Yếu tố giá trị của kiến trúc truyền thống Việt Nam được nhìn nhận rõ nét qua kiến trúc của những ngôi Đình ở khu vực Bắc Bộ và kiến trúc cung đình, nhà truyền thống ở Huế. Các kiến trúc này có sự chuẩn mực tự thân và gắn kết hài hòa với tự nhiên. Xét riêng ý nghĩa tự thân của kiến trúc, theo tôi, không gian của ngôi Đình hay nhà ở truyền thống đã đạt đến sự chuẩn mực của tỷ lệ kiến trúc không gian cũng như sự cởi mở và hình ảnh biểu tượng biểu cảm. Tỷ lệ hình thành cấu trúc không gian được sử dụng theo “cây thước Tầm” – cơ sở tỷ lệ từ kích thước của cơ thể người Việt.
Park Changhyun: Anh hãy giải thích thêm về Đình. Công năng của những công trình này là gì và nó có những đặc trưng kiến trúc gì?
Đàm Vũ: Chức năng chính của ngôi Đình, nơi thờ Thành Hoàng - vị Tổ sáng lập, nơi để người trong làng chiêm bái, thờ cúng, nhưng Đình làng cũng là nơi hội họp, phán xử, là nơi biểu diễn nghệ thuật, sinh hoạt văn hóa, tổ chức chiêu đãi,.. nhiều chức năng trong cùng một không gian mà không làm ảnh hưởng bản chất nguyên thủy của không gian. Điều này cũng tương tự như ở ngôi nhà truyền thống, bên dưới hệ khung không gian là chức năng cho cả một quần thể gia đình nhiều người, từ 1 gia đình nhỏ có thể lên đến 3-4 thế hệ cùng sinh sống. Việc thêm phòng cho ngôi nhà được bố trí vào hệ khung chuẩn mực này mà không làm mất đi tính trật tự và mỹ cảm hài hòa của không gian. Sự linh hoạt còn được biểu hiện trong cấu trúc, có thể lắp ráp và di chuyển được, và có thể được sử dụng lại ở khu vực khác trong điều kiện khí hậu và con người Việt Nam. Thường mỗi vùng đất có đặc điểm khí hậu khác nhau, con người có những ứng xử để cùng chung sống với tự nhiên của vùng đất đó. Ở cấp độ một quốc gia, vì con người có nòi giống chung nên trong đặc tính có nét chung nhất, tuy nhiên vẫn có sự phong phú đa dạng trong việc hành xử giữa các vùng miền khí hậu.
Park Changhyun: Cùng với những thay đổi trong nền kinh tế gần đây, xã hội cũng trải qua nhiều biến động bởi đại dịch Covid-19 toàn cầu. Những kiến trúc sư trẻ Việt Nam nghĩ gì về tình hình này?
Đàm Vũ: Theo chúng tôi nhìn nhận thì thị trường nhà ở ở Việt Nam chưa thấy có thay đổi đáng kể trong giai đoạn Covid-19, sự thay đổi lớn nhất chúng tôi thấy liên quan đến kiến trúc là về việc con người trong cách nhìn về cuộc sống và cách sống. Nhiều người ý thức rõ trong cách họ sống, và mong muốn được cảm giác sống nhẹ nhàng hơn và chậm rãi hơn,. Điều đó được thấy thông qua những yêu cầu từ khách hàng, người sử dụng, họ chủ động đưa ra quan điểm về chất lượng cuộc sống thay vì chỉ quan tâm đến vật chất biểu hiện của kiến trúc.
Park Changhyun: Tôi ganh tị đấy, vì những thay đổi này chưa lan rộng ở Hàn Quốc. Vậy Kientruc O hành động như thế nào với xu hướng kiến trúc này ở Việt Nam?
Đàm Vũ: Kiến trúc là sản phẩm của con người nên sẽ phụ thuộc vào sự phát triển của vùng đất nơi con người sinh sống. Giá trị biểu hiện đang được phát triển thăng hoa hay có thể đang bị lãng quên phụ thuộc vào hoàn cảnh của nơi đó. Tuy nhiên, giá trị vẫn là giá trị, giá trị gốc vẫn ở đó mặc dù qua nhiều thăng trầm và biến cố. Phương Đông đang được xem là một tiềm năng bí ẩn, theo tôi điều đó cũng là tự nhiên vì đang theo quy luật vận hành chung và châu Á đang được quan tâm được đánh thức về nhiều mặt, trong đó có kiến trúc. Suốt một thời gian dài, tôi luôn nghĩ về “mã tín hiệu trong nhận định của con người”, một thứ mã thuộc về nền văn minh của con người, do con người tạo dựng ra. Điều này tuy có vẻ phổ quát, nhưng lại là vấn đề cốt lõi. Chính sự khác biệt riêng biệt đến từ chiều sâu văn hóa của từng quốc gia sẽ góp phần đem lại sự thú vị và sự phong phú hấp dẫn cần có cho kiến trúc.
Park Changhyun: Anh mô tả ý niệm về “mã tín hiệu trong nhận định” mà anh đề cập ở trên như thế nào?
Đàm Vũ: Khi ta vừa nhìn thấy một bông hoa, rất tức thời, ta cảm thấy đẹp. Khi chúng ta muốn tìm hiểu vẻ đẹp đó kỹ lưỡng hơn, bằng cách thực hiện phân tích thì ta sẽ rất bất ngờ bởi quy luật tạo nên chính bông hoa đó, trong cấu trúc, màu sắc, thành phần,.. mặc dù vậy ngay từ ban đầu, ta tự biết rằng đó là một bông hoa đẹp, vẻ đẹp là trực nhận mà không cần phải phân tích, đó là một dạng tín hiệu về cái đẹp trong nhận định. Và có những điều tương tự như vậy, có những thứ đẹp đẽ chúng ta chỉ có thể bắt gặp trong thế giới của con người, do con người tạo ra. Sự rung động về cái đẹp chung nhất của con người mà không phân biệt bối cảnh và nền văn hóa.
Park Changhyun: Hãy chuyển qua nói về một đồ án cụ thể, ở đây tôi đặc biệt quan tâm về ngôi nhà 304 hoàn thành năm 2015 của anh. Vị trí của công trình ở đâu vậy?
Đàm Vũ: Ngôi nhà này nằm ở một khu đất hẹp và dài. Sự biểu hiện của ngôi nhà là giản dị với chung quanh nên việc ảnh hưởng của nó trong tổng thể khu vực có vẻ không phải là điểm mấu chốt, vì vậy chúng tôi muốn tập trung vào vấn đề của cách sống bên trong của người sử dụng, xoay quanh mối tương tác trong sinh hoạt.
Park Changhyun: Có phải anh đang muốn nói là sự tập trung vào chính ngôi nhà hơn là mối tương quan của nó đối với môi truờng xung quanh? Chúng tôi rất quan tâm đến mối quan hệ về cấu trúc trong những khu lân cận với nhau và dành nhiều thời gian nghiên cứu về đề tài này. Anh có nghĩ là bối cảnh khu vực tác động đến chất lượng sống của cá thể?
Đàm Vũ: Câu hỏi này của bạn rất thú vị, quan điểm của bạn đề cập hoàn toàn đúng đắn. Tuy nhiên bối cảnh khu vực ở mỗi nơi của thành phố rất khác nhau, tính đa dạng làm chúng tôi linh hoạt trong thực hiện. Nhà 304 này có bối cảnh khu vực đã được quy hoạch về tầng cao và khoảng lùi, việc tuân thủ quy định cơ bản thì sẽ tạo nên một khu phố có sự hài hòa. Vậy nên chúng tôi tập trung vào sự tự thân và làm cho nó trở nên phong phú. Chúng tôi nghĩ, một cá thể tốt có thể tạo ra cảm hứng cho tổng thể phong phú và đa dạng. Điều đó cũng chính là mục tiêu chúng tôi nhìn nhận và tạo ra sự vững bền cho cá thể kiến trúc trong mối quan hệ hài hòa với cái toàn thể để từ đó giúp ích cho cái toàn thể tốt hơn.
Park Changhyun: Tôi nghĩ là có một đặc điểm riêng trong hình dạng đặc trưng của khu đất chữ nhật thường thấy ở đô thị trung tâm của Việt Nam. Một trong những điều cốt yếu để định giá trị một khu đất hình chữ nhật ở Châu Âu là mặt tiền ngang rộng của nó. Còn ở Việt Nam thì sao?
Đàm Vũ: Đúng vậy, ở Việt Nam loại hình này là một trong những dạng đặc trưng của nhà ở đô thị, chiều rộng của mặt tiếp xúc ra con đường trước ngôi nhà quyết định rất nhiều về giá trị vật chất của ngôi nhà vì ngôi nhà mặt đường rất tốt để có thể dùng làm kinh doanh hoặc cho thuê. Có thể thấy rằng, với cùng diện tích, căn nhà ống ở mặt đường lớn có giá trị tài chính cao hơn nhà ống ở mặt đường nhỏ (hẻm). Đây là dạng nhà đặc trưng của đô thị, tuy nhiên ở các khu đô thị mới, trong qui hoạch mới, loại hình nhà này được xem như một trong những lựa chọn, bên cạnh còn có loại hình căn hộ, khu phức hợp.
Park Changhyun: Nhà ở thành phố của Việt Nam thường là nhà ống dài, hẹp và cao tầng. Như nhà 304 có diện tích 3,5x12m, cũng là một kiểu như Nhà ống, vậy điều gì là quan trọng khi thiết kế thể loại nhà này?
Đàm Vũ: Luật Xây dựng được áp dụng theo từng khu vực riêng vì loại hình nhà ống khá đa dạng ở TP. HCM. Ở ngôi nhà này là đảm bảo tuân thủ về khoảng lùi xây dựng so với vỉa hè, số tầng và chiều cao. Nhà ống thường có diện tích quá nhỏ, nên thông thường người sử dụng mong muốn diện tích sử dụng càng nhiều càng tốt để bù đắp vào việc chật hẹp của khu đất. Vì vậy, phần lớn ngôi nhà hẹp mà dài thường mất đi chất lượng ánh sáng, không khí cho người ở bên trong ngôi nhà cũng như thiếu sự giao tiếp chung giữa các thành viên trong gia đình. Nhà ống thường có từ 1 đến 2 mặt tiếp xúc ra bên ngoài, một mặt tiếp xúc ra con đường và một mặt có khoảng lùi khá hẹp hoặc không có khoảng lùi so với nhà khác đâu lưng vào. Khi chủ nhà muốn tối đa diện tích xây dựng của nhà ống thì thông thường chỉ có khu vực thang bộ là nơi liên kết các tầng. Cầu thang thường được bố trí ở giữa nhà và có diện tích vừa đủ, nên khoảng bên trong nhà trở nên tối và việc đóng vách để ngăn phòng làm cho đối lưu không khí bị cản trở. Ngoài ra, chính việc phân tầng này tạo ra sự chia cách tách biệt hẳn giữa các thành viên trong gia đình, họ có xu hướng trở nên cá nhân, ít có sự quan tâm và liên hệ với nhau.
Park Changhyun: Ở Nhật cũng có nhiều kiểu nhà nhỏ như vậy. Khi tôi nhìn thấy những nhà nhỏ xíu ở Nhật, tôi nghĩ có một khuynh hướng tập trung vào bố cục và các vùng chuyển tiếp trong không gian nội thất, bao gồm sự chuyển động và cảm giác trải nghiệm. Có sự khác nhau nào giữa nhà ống ở Nhật và ở Việt Nam không?
Đàm Vũ: Tôi cho rằng thiên nhiên và con người có một mối liên hệ chặt chẽ và tự nhiên. Việt Nam là vùng đất có khí hậu nhiệt đới nóng ẩm, nên việc thông thoáng và những khoảng đệm thường được xem rất quan trọng trong kiến trúc. Tuy có nhiều điểm tương đồng của vùng phương Đông, nhưng trong bản tính hài hòa của người Việt thường coi trọng sự giản dị, mộc mạc, chân thật, và trực tiếp, vì vậy không gian Nhà ống Việt Nam thường phản ánh rõ các đặc tính này. Khi đô thị phát triển, mô hình nhà vườn, nhà ở nông thôn được kế thừa để tương thích với nhà ở tại đô thị có diện tích hẹp chiều ngang. Có thể nhìn lại những ngôi nhà đô thị thời kỳ đầu trong khu phố cổ của Hà Nội và Hội An, đây có thể xem là ví dụ rõ nét về dạng nhà đô thị phản ánh đặc tính khí hậu, văn hóa và lối sống của người Việt. Những ngôi nhà này thường có 2 tầng, được dựng lên từ hệ khung gỗ đơn giản như nhà vườn truyền thống, cho cảm giác mộc mạc và giản dị, ngoài ra những ngôi nhà này có thông thoáng tự nhiên rất tốt và cho cảm giác rộng rãi mặc dù hẹp và dài. Bằng cách sử dụng khoảng trống đủ rộng lớn ở giữa ngôi nhà để lấy ánh sáng và thông gió vào ngôi nhà. Ngoài ra, hệ khung kiến trúc cho ngôi nhà 2 tầng này được hình thành rất chuẩn mực để khi ngôi nhà nếu được ngăn phòng cho nhu cầu sử dụng riêng vẫn không làm mất đi tính trật tự và sự hài hòa chung của ngôi nhà.
Park Changhyun: Càng lên tầng trên thì diện tích sàn của tầng càng giảm lại, mỗi tầng như thế có thêm một cái terrace, dường như để mang lại sự đa dạng cho một mặt bằng đơn giản. Những không gian chức năng được sắp xếp từng tầng riêng biệt nhau tuy nhiên tất cả các tầng kết nối thông qua một sân trong và các ban công bên ngoài, dường như đó là hai lớp tạo nên một không gian phòng. Mối quan hệ nào được tạo ra giữa mặt trước của ngôi nhà và bối cảnh xung quanh nó không?
Đàm Vũ: Việc thực hiện lùi tầng của mặt đứng khi lên cao được chúng tôi thực hiện thông qua quá trình tìm kiếm giải pháp che nắng cho công trình cũng như nghiên cứu không gian vùng đệm. Thay cho giải pháp lam che nắng thẳng đứng, chúng tôi thực hiện lùi tầng vaò để tạo ra vùng đệm và sử dụng cây xanh để tạo bóng mát. Giải pháp này trông có vẻ mềm mại và tự nhiên hơn, đón năng lượng tốt hơn. Ngoài ra, giải pháp rất hiệu quả khi không gian bên trong đạt được sự cởi mở ra với bên ngoài nhưng vẫn tạo ra sự riêng tư nhất định. Cũng như khi nhìn từ bên ngoài ngôi nhà mang lại cảm giác cân đối và hài hòa.
Park Changhyun: Như tôi có đề cập bên trên, khoảng sân trong dường như mang một vai trò rất lớn trong ngôi nhà này. Một hành lang chạy quanh giếng trời bao bọc và kết nối các lớp với nhau thành một dòng chuyển động.
Đàm Vũ: Ngôi nhà 304 là một ví dụ điển hình cho việc sử dụng khoảng đệm, thông thoáng và chiếu sáng cho kiến trúc tại vùng khí hậu nóng ẩm nhiệt đới. Tuy nhiên, điều đặc biệt mang tính trọng tâm trong ngôi nhà này là việc tạo lại sự kết nối giữa con người với nhau, và con người với thiên nhiên. Đây là 1 giải pháp gợi về ngôi nhà truyền thống điển hình của Việt nam, ngôi nhà có các khu vườn bao quanh, ngôi nhà 1 tầng đủ rộng, liên kết các thành viên trong gia đình với nhau theo sự trãi dài của phương ngang. Việc tạo lập phương ngang này mở ra với vùng thiên nhiên bên ngoài, con người sống trong ngôi nhà truyền thống có cảm giác gắn kết thật sự với thiên nhiên. Nhưng điều đó dường như bị đánh mất bởi không gian chật hẹp và cao tầng, khi diện tích sàn được sử dụng tối đa.
Park Changhyun: Khoảng trống được khoan dưới trần nhà hình tròn trên tầng cao nhất, và khoảng trống lưu thông bên trong ngôi nhà tiếp xúc với bầu không khí bên ngoài mà không có bất kỳ cửa sổ hoặc rào chắn riêng biệt nào. Đặc biệt, phòng khách và nhà bếp, nơi có những đặc điểm chung nhất trong ngôi nhà, là nơi giao nhau giữa bên trong và bên ngoài.
Đàm Vũ: Không gian khoảng trống theo phương đứng giữa nhà gợi nhắc về đặc tính không gian của phương Tây, thủ pháp này làm ngôi nhà trở nên đậm tính chất không gian hơn. Tuy nhiên sự thú vị của không gian ở ngôi nhà này mà chúng tôi mong muốn người sử dụng có đồng thời 2 trải nghiệm, đó là trải nghiệm giữa phương ngang truyền thống và trải nghiệm về sự phong phú của không gian chiều cao, được mở dần ra với bầu trời. Khoảng mở bên trên được sử dụng hệ mái kính đóng mở tự động khi trời mưa, vì vậy ngôi nhà sẽ khuyến khích người sử dụng luôn để cho không khí tràn vào ngôi nhà một cách tự nhiên. Sự trải nghiệm không gian theo phương ngang truyền thống được gợi nhắc rõ nét nhất qua không gian tầng 1, bản chất của không gian hàng hiên, nơi con người cảm thấy thoải mái nhất trong vùng không gian có bóng đổ và có sự mát mẻ, kết nối trực tiếp với thiên nhiên.
June 2021